Hội thảo “Lịch sử trồng trọt, phát triển và những giá trị văn hoá của cây mơ Hương Tích”

Ngày 25/1/2024, tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, UBND xã Hương Sơn và các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo “Lịch sử trồng trọt, phát triển và những giá trị văn hoá của cây mơ Hương Tích”.

Ảnh 1. Các đơn vị tham gia Hội thảo

Mơ chùa Hương hay còn gọi là mơ Hương Tích đã gắn liền với truyền thống văn hóa lễ hội chùa Hương hàng trăm năm nay. Đây là giống mơ nổi tiếng thơm ngon bởi hạt nhỏ, cùi dày, vị chua nhẹ đặc biệt có mùi thơm dịu thoang thoảng. Tuy nhiên hiện nay nguồn gen mơ Hương Tích đã bị mai một, diện tích trồng cũng đã bị thu hẹp hơn rất nhiều so với trước đây.

Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen mơ (Prunus sp.) Hương Tích gắn với du lịch sinh thái” do TS. Phạm Thị Ngọc chủ nhiệm, hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu tìm hiểu lịch sử văn hoá và đặc điểm đặc trưng của nguồn gen cây mơ Hương Tích.

Hội thảo có sự tham dự của Phòng Kinh tế Huyện Mỹ Đức, Ban quản lý Rừng phòng hộ- Đặc dụng Hà Nội, Hội Nông dân xã Hương Sơn, HTX phát triển du lịch chùa Hương, đại diện các hộ trồng mơ Hương Tích, các chuyên gia và thành viên nhóm thực hiện đề tài.

Ảnh 2. TS. Hoàng Đăng Dũng- Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề- Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Ảnh 3. PGS.TS. Bùi Thị Nga- Học viện Nông nghiệp Việt Nam Báo cáo: Thách thức và triển vọng chuỗi giá trị cây mơ trên thế giới và Việt Nam

Theo PGS.TS. Bùi Thị Nga- Học viện Nông nghiệp Việt Nam,  dựa trên các thông tin, số liệu thứ cấp, sử dụng phương pháp phân tích nội dung (Content Analysis), sau đó, các nhận định được đưa ra theo một logic chặt chẽ trong phương pháp ngoại suy (extrapolation) cho thấy bên cạnh một số thách thức, quả mơ có nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và tiềm năng thị trường thế giới rộng mở. Ở Việt Nam chưa có những nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về chuỗi giá trị mơ. Đây chính là khoảng trống mà các nhà nghiên cứu cần lấp đầy trong thời gian tới. Từ kinh nghiệm thế giới, và thực trạng sản xuất, tiêu thụ mơ tại Việt Nam, chuyên gia đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc phát triển chuỗi giá trị mơ tại Việt Nam từ khâu chọn và nhân giống, áp dụng các BPKT tiên tiến trong kỹ thuật canh tác và chế biến ngay tại trang trại, thành lập HTX mơ, tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị với các cơ sở sơ chế, chế biến để thu mua kịp thời, ổn định và sơ chế, chế biến sớm nhất quả mơ sau khi thu hoạch và thúc đẩy liên kết thị trường cho mơ chế biến chất lượng (nội địa và xuất khẩu).

Ảnh 4. ThS. Đào Thị Thu Lành- Ban quản lý Rừng phòng hộ- Đặc dụng Hà Nội báo cáo “Thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển cây mơ Hương Tích tại rừng đặc dụng Hương Sơn”

Theo ThS. Đào Thị Thu Lành- Ban quản lý Rừng phòng hộ- Đặc dụng Hà Nội: cây mơ được tòn tại ở khu vực Hương Sơn khá lâu và hiện trạng bên cạnh một số cây mơ cổ người dân đã du nhập một số giống mơ từ nơi khác về trồng do vậy tồn tại nhiều giống mơ với nhiều tên gọi khác nhau gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và thương hiệu cây mơ Hương Tích. Việc nhân giống và trồng cây mơ vẫn mang tính tự phát, thụ động; tất cả các công đoạn từ nhân giống, kỹ thuật gây trồng thâm canh, chăm sóc, thu hái, chế biến; phân tích đánh giá chất lượng sản phẩm quả, hạt, hạnh nhân, đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mơ vẫn còn hạn chế. Suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng quần thể, cá thể, năng suất và sản lượng quả hàng năm. Các cơ chế, chính sách phát triển cây mơ Hương Tích gắn với mục tiêu khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế xã hội gắn với thương hiệu văn hóa tâm linh chưa được quan tâm đúng mức.

Đánh giá về sự đa dạng nguồn gen cây mơ tại Hương Sơn TS Lê Thị Tuyết Châm – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng mặc dù tên gọi của người dân có khác nhau (Mơ ta, mơ bồ hóng, mơ Vân Nam, mơ đá, mơ song mai), nhưng quần thể mơ tại chùa Hương và phân loại ra thành 2 nhóm chính lớn là song mai (Prunus salicina) và mơ ta (Prunus mume).

 

 

 

 

Ảnh 5. TS. Lê Thị Tuyết Châm trình bày về đa dạng di truyền các nguồn gen mơ trên thế giới và Việt Nam

Kết hợp giữa phân tích nguồn gen, điều tra mô tả các cá thể có tuổi cây 30 – 40 tại khu vực Hương Sơn (Thung Chùa, Thung Yến, Thu Tiêu….) và xin ý kiến của các lão nông tri điền tại xã Hương Sơn đã thống nhất được các đặc điểm đặc trưng của cây mơ Hương Tích dựa trên các đặc điểm thân cành, thời gian ra hoa, đặc điểm quả và hạt.

Ảnh 6. TS. Đoàn Thu Thuỷ cùng các hộ dân thảo luận về đặc điểm đặc trưng của cây mơ Hương Tích

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Lương- Bí thư Đảng uỷ xã Hương Sơn khẳng định nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây mơ là một trong những hiệm vụ trọng tâm của xã hướng tới việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCCOP từ cây mơ. Thời gian tới xã Hương Sơn rất mong nhận được sự giúp đỡ của nhóm thực hiện đề tài chuyển giao các biện pháp thúc đẩy phát triển nguồn gen đặc hữu địa phương gắn với du lịch tâm linh.

Ảnh 7. Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn – Nguyễn Văn Lương kết luận hội thảo

Chiều cùng ngày, nhóm đề tài cũng đã tiến hành khảo sát thêm tuyến đường du lịch và thăm hỏi động viên các chủ hộ tiêu biểu đã bảo tồn, gìn giữ được giống mơ quý hiếm này.

Ảnh 8. Nhóm đề tài khảo sát tuyến đường du lịch tại vườn mơ nhà bác Lê Viết Đông

Nhóm NCM Công nghệ chọn tạo và sản xuất giống cây trồng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *