Hội thảo bình tuyển cây đầu dòng giống mơ Hương Tích

Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề – Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và Công nghệ “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen mơ (Prunus sp.) Hương Tích gắn với du lịch sinh thái” – Mã số: CT04/02-2023-4 của Thành phố Hà Nội từ tháng 11/2023 đến tháng 10/2026. Mục tiêu: Bảo tồn, phát triển được nguồn gen mơ Hương Tích có chất lượng tốt, gắn với khu du lịch chùa Hương, huyện Mỹ Đức, tăng hiệu quả cho người sản xuất. Trong đó có nội dung bình tuyển cây đầu dòng mơ Hương tích để phục vụ nhân rộng mô hình trồng mơ tại xã Hương Tích và toàn huyện Mỹ Đức với những vùng lân cận có điều kiện tương tự.

Ngày 4/4/2024, Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề – Học viện Nông nghiệp Việt Nam và UBND xã Hương Sơn đã tổ chức Hội thảo bình tuyển, công nhận 20 cây mơ Hương Tích đầu dòng được theo dõi từ năm 2021-2023.

Toàn cảnh hội thảo bình tuyển cây đầu dòng giống mơ Hương Tích

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, ao hồ ngày càng thu hẹp kéo theo sự đa dạng về nguồn gen ngày càng suy giảm, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen ngày càng thể hiện vai trò quan trọng. Là một trong 22 nguồn gen cây đặc sản của Hà Nội, mơ chùa Hương(mơ Hương Tích) nổi tiếng khắp đất Bắc bởi quả to, hạt nhỏ, cùi dày và mọng nước, vị chua nhẹ, thanh mà không gắt, mùi thơm đặc trưng và có giá trị dược liệu cao. Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen mơ (Prunus sp.) Hương Tích gắn với du lịch sinh thái” do TS. Phạm Thị Ngọc chủ nhiệm, hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu đánh giá hiện trạng, bình tuyển cây đầu dòng giống mơ Hương Tích và đề xuất các giải pháp bảo tồn. Tổ thẩm định cây đầu dòng giống Mơ Hương Tích gồm 7 thành viên là các chuyên gia của Trung tâm tài nguyên thực vật, Viện nghiên cứu Rau quả, Chi cục Trồng trọt và BVTV và phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của bà Lê Thị Thanh Huyền- phòng Quản lý khoa học- Sở KHCN Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Dương- Phó chủ tịch xã Hương Sơn, ông Hoàng Đăng Dũng- Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề; 6 hộ dân chủ cây đề nghị bình tuyển và nhóm thực hiện đề tài.

Hội đồng thẩm định cây đầu dòng mơ Hương Tích

Dựa trên kết quả kiểm tra, thẩm định tại thực địa đối với cây mơ Hương Tích đề nghị bình tuyển của tổ thẩm định và báo cáo kết quả theo dõi trong 03 năm từ 2021-2023 đối với 40 cây mơ ưu tú của 6 hộ dân thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức: Ông Vương Ngọc Kiện (12 cây), bà Đinh Thị Vĩnh (21cây), ông Lê Mạnh Đông (2 cây), ông Trịnh Văn Tiến (2 cây), ông Phạm Thành Đồng(2 cây) và ông Nguyễn Văn Thắng(1 cây). Hội đồng bình tuyển đã thống nhất công nhận 20/40 cây Mơ Hương Tích phân bố tập trung tại thôn Đục Khê (gồm 2 hộ dân là ông Trịnh Văn Tiến và Phạm Thành Đồng) và thôn Phú Yên (gồm 3 hộ dân là ông Vương Ngọc Kiện, bà Đinh Thị Vĩnh và ông Lê Mạnh Đồng) đạt tiêu chuẩn là cây đầu dòng và trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định công nhận cây mơ Hương Tích đầu dòng.

Tổ thẩm định thực địa tại vườn nhà ông Vương Ngọc Kiện
Tổ thẩm định thực địa tại vườn nhà ông Lê Mạnh Đông
Giống mơ Hương Tích với quả chín màu vàng sáng, mùi thơm đặc trưng

Mơ Hương tích được coi là một trong những cây ăn quả đặc sản của huyện Mỹ Đức. Trong nghị quyết đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 và định hướng phát triển nông nghiệp của Huyện cũng đã xác định cần phát triển hơn nữa diện tích trồng mơ; đang dạng hoá sản phẩm từ cây mơ; gắn sản xuất cây mơ với phát triển du lịch. Qua đợt bình tuyển này, những cây mơ Hương Tích đầu dòng sẽ được phép khai thác mắt ghép và cành chiết cung cấp giống cây mơ Hương Tích phục vụ cho sản xuất, mở ra một hướng đi mới nhiều hứa hẹn trong phát triển hàng hoá nông sản của thành phố Hà Nội./.

Đoàn Thu Thuỷ

Nhóm NCM Công nghệ chọn tạo và sản xuất giống cây trồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *