Nếu chúng ta không có kế hoạch và các hành động cụ thể đối với việc sản xuất nông sản Việt Nam xuất khẩu gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế carbon của các nước, làm tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã xây dựng hàng rào biên giới carbon. 

Phải có kế hoạch và các hành động cụ thể

Trong 12 giải pháp chủ yếu bao trùm các lĩnh vực kinh tế – xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới, giải pháp số 4 và số 7 đã đề cập đến phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch tín chỉ carbon.

 ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: Quang Khánh

Tôi cho rằng, đây là một vấn đề rất quan trọng, cần thiết, cần phải được quan tâm thích đáng, kịp thời, thường xuyên để bảo đảm môi trường tự nhiên, ổn định đời sống kinh tế, đặc biệt là giúp nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức hiển nhiên của cuộc cách mạng chuyển đổi xanh toàn cầu, tiếp tục giữ được vị thế quan trọng trong bản đồ an ninh lương thực của thế giới.

Tại sao Việt Nam cần phải quan tâm đến giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch tín chỉ carbon, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp?

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là lợi thế, là trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt khoảng 54 tỷ USD năm 2023, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế nông nghiệp của đất nước. Theo thống kê, nông nghiệp là ngành tạo ra phát thải lớn khoảng 100 triệu tấn CO2 quy đổi (chiếm 30%) tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Trong đó chủ yếu từ ngành trồng lúa chiếm 50%, chăn nuôi phát thải 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón chiếm 13%; còn lại là xử lý phụ phế phẩm nông nghiệp.

Thời gian qua, để thực hiện cuộc cách mạng xanh toàn cầu và thực hiện cam kết Net zero về phát thải khí nhà kính,  nhiều quốc gia trên thế giới (nhiều nước được coi là thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam) đã xây dựng các rào cản kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính và thiếu carbon, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Khoảng 30 nước trên thế giới đã triển khai tính thuế carbon.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: Quang Khánh

Cụ thể như: từ tháng 1.2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản vào một số thị trường cần chứng minh hàng hóa đó không xuất phát từ việc phá rừng; từ tháng 1.2026, hàng rào kỹ thuật về phát thải carbon sẽ được áp dụng ở một số thị trường của nông sản Việt Nam.

Đây là một thách thức rất lớn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt đối với Việt Nam, với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu chúng ta không có kế hoạch và các hành động cụ thể đối với việc sản xuất nông sản Việt Nam xuất khẩu gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế carbon của các nước, làm tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã xây dựng hàng rào biên giới carbon.

Bên cạnh những thách thức như vậy, nếu chúng ta quan tâm sớm đúng hướng, làm một cách hiệu quả, đồng bộ, có chiến lược, có kế hoạch rõ ràng để giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực vào thị trường tín chỉ carbon thì có thể phát huy lợi thế quốc gia nông nghiệp, tăng vị thế cạnh tranh của nông sản, mang lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp, thu tiền từ các tín chỉ carbon.

 ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước

Tôi đánh giá cao hành động của Chính phủ đã cam kết tham gia cuộc cách mạng xanh cùng với các nước trên thế giới tại COP 26, COP 28 và sẵn sàng tham gia thị trường carbon.

Việt Nam đã ban hành  Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị đinh 06/2022/ND-CP quy định biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thiết lập thị trường giấy phép khí carbon. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Tôi đặc biệt đánh giá cao đề án: “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030″. Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại COP 26 về phát thải khí nhà kính.

Có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường carbon

Để giúp người dân hiểu sâu sắc về giá trị to lớn cũng như thách thức của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon, và để có thể thực hiện được cam kết của Việt Nam tại COP 26, COP 28, tôi kiến nghị một số nội dung:

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: Quang Khánh

Một là, tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon. Giao các trường đại học, học viện nông nghiệp xây dựng các chương trình đào nâng cao nhận thức, cung cấp các kiển thức cơ bản về thị trường carbon cho  người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, giảng dạy cho sinh viên đại học, học sinh phổ thông. Tập huấn thực hành ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch thị trường carbon.

Hai là, nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường carbon của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1.2026, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ba là, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng các chính sách hấp dẫn, cụ thể, thiết thực để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp… trên cơ sở tham khảo bài học của các quốc gia EU, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

N. Bình ghi
https://daibieunhandan.vn/