24/04/2024 15:30
GDVN – Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn chú trọng tổ chức hoạt động ươm mầm, trang bị kiến thức khởi nghiệp cho học sinh trung học phổ thông.
Ngày 24/4, tại Trường Trung học phổ thông Việt Đức, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến điểm cầu tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội (như quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm,…).
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có ông Lê Hồng Vũ – Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Về phía Trường Trung học phổ thông Việt Đức có cô Nguyễn Bội Quỳnh – Hiệu trưởng, cô Bùi Thanh Huyền – Phó Hiệu trưởng cùng các giáo viên chủ nhiệm, học sinh lớp 12 của trường.
Về phía đại diện doanh nghiệp, có Tiến sĩ Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam & Bizcare.
Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc học viện; Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng – Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ. Hội thảo còn có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên của học viện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hồng Vũ – Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thực hiện Quyết định 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, nhằm ươm mầm, nuôi dưỡng ý tưởng, niềm đam mê khởi nghiệp ngay từ trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”.
Hội thảo nhằm mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.
Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học mong muốn thông qua hội thảo, quý thầy, cô giáo và các em học sinh tham dự trực tiếp và trực tuyến đặt vấn đề, trao đổi, tranh luận để được các học giả, khách mời cung cấp thông tin cần thiết, bổ ích về khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh tại địa phương, tại trường trung học phổ thông mà các thầy, cô giáo đang công tác, học sinh đang học tập.
Trình bày tham luận với chủ đề “Nhu cầu nhân lực trong thời đại 4.0” tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nga – Giảng viên cao cấp, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, trong thời đại 4.0, nhiều ngành nghề sẽ mất đi và nhiều ngành nghề mới ra đời. Điều này đòi hỏi học sinh sinh viên phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn và phẩm chất đạo đức, thái độ tốt.
“Có những sinh viên giỏi nhưng khi đi làm lại không tạo được sự tin tưởng của doanh nghiệp do thái độ phẩm chất đạo đức chưa tốt. Do đó, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, học sinh, sinh viên cần có phẩm chất đạo đức, thái độ tốt trong học tập và làm việc”, cô Nga chia sẻ.
Cũng theo cô Nga, công nghệ 4.0 tạo ra nhiều việc làm đa dạng trong và ngoài nước, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kinh tế, Nông nghiệp, Du lịch, Công nghệ thực phẩm,… Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều ngành học nên học sinh gặp ít nhiều khó khăn trong chọn ngành. Do vậy, cùng với xác định đúng mục tiêu, học sinh cần chọn đúng ngành nghề, phù hợp với bản thân, gia đình, học cái xã hội cần, và có đóng góp cho đất nước; chọn trường đại học uy tín, phù hợp.
Tại hội thảo, Thạc sĩ Đỗ Thị Kim Hương – Giám đốc Trung tâm Quan hệ Công chúng và Hỗ trợ sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tham luận. Theo cô Hương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn chú trọng tổ chức hoạt động ươm mầm, trang bị kiến thức khởi nghiệp cho học sinh trung học phổ thông; Học viện cũng tổ chức hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, hoạt động ươm mầm, trang bị kiến thức khởi nghiệp của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
“Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn coi hoạt động nghiên cứu khoa học và sức sống của học viện. Từ năm 2014 đến nay, học viện tổ chức 9 cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp với 1.400 dự án tham gia. Trong đó, có 05 dự án đạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia”, cô Hương chia sẻ.
Chỉ ra yếu tố tạo nên thành công trong phong trào khởi nghiệp sinh viên của học viện, theo cô Hương, 10 chương trình đào tạo của học viện đạt chuẩn chất lượng Đông Nam Á; đội ngũ giảng viên trình độ cao (trên 90% giảng viên được đào tạo tại nước ngoài); cơ sở vật chất hiện đại (52 phòng thí nghiệm nghiên cứu, 82 mô hình khoa học công nghệ), gần 200 phòng học, ký túc xá đáp ứng nhu cầu nhà ở của gần 5.000 sinh viên. Học viện có học bổng hấp dẫn dành cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt, học bổng cho tân sinh viên.
Bên cạnh đó, học viện có mạng lưới cựu sinh viên rộng khắp (trong đó có 97% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp) tham gia hỗ trợ sinh viên của học viện thực hiện hóa ý tưởng khởi nghiệp. Học viện đã kết nối với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên tham gia thực hành doanh nghiệp, hướng dẫn và cấp kinh phí để sinh viên thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. Học viện chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm (thuyết trình, khởi nghiệp,…) cho sinh viên. Đặc biệt, có khuôn viên hoạt động thể dục thể thao, sân golf, nhà phục vụ đào tạo giáo dục thể chất,…
Chia sẻ tham luận, Tiến sĩ Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam & Bizcare đã làm rõ lý do tại sao nên khởi nghiệp, có nên chọn Nông nghiệp để khởi nghiệp hay không và cần kiến thức gì để khởi nghiệp thành công. Đồng thời, Tiến sĩ Đàm Quang Thắng cũng chia sẻ về bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp của Hà Nội.
Theo Tiến sĩ Đàm Quang Thắng, trong bối cảnh nhu cầu về thực phẩm tăng lên, nông nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao, có sức ổn định và đóng góp cho cộng đồng, từ đó giúp xây dựng một tương lai bền vững. Muốn khởi nghiệp thành công, người trẻ cần phải có kiến thức chuyên môn, kiến thức về quản lý kinh doanh, phân tích thị trường, quản lý rủi ro và kiến thức về pháp luật và quy định liên quan đến ngành.
Tiến sĩ Đàm Quang Thắng cho rằng, với khởi nghiệp truyền thống, sinh viên có thể không cần đến ngoại ngữ, nhưng với khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên phải có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Tại hội thảo, học sinh tham dự trực tiếp tại Trường Trung học phổ thông Việt Đức và học sinh tham dự tại các điểm cầu trực tuyến hào hứng tham gia trò chơi Tìm hiểu về Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thông qua trò chơi, nhiều học sinh đã thể hiện được sự hiểu biết của bản thân về học viện và mong muốn trở thành tân sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức hào hứng tham gia trò chơi tại hội thảo
Trong phần tọa đàm, nhiều câu hỏi của học sinh đã được lãnh đạo lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đại diện doanh nghiệp và sinh viên học viện giải đáp chi tiết.
Theo đó, ông Lê Hồng Vũ – Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có những giải đáp liên quan đến những chính sách của thành phố Hà Nội nhằm hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong khuôn khổ tọa đàm, Tiến sĩ Đàm Quang Thắng trả lời câu hỏi của học sinh về những kỹ năng và phẩm chất cần thiết để trở thành một doanh nhân thành công. Theo Tiến sĩ Thắng, người trẻ cần có niềm tin tích cực, tích luỹ kiến thức liên ngành và có phẩm chất đạo đức tốt. Ngoài ra, người trẻ cũng cần có vốn kiến thức xã hội và xây dựng mối quan hệ xã hội tốt.
Cùng giải đáp thắc mắc của học sinh về chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho trường trung học phổ thông ra sao, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc học viện cho biết, học viện có phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo để tổ chức hội thảo, cung cấp thông tin, kiến thức cho học sinh liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo.
“Nếu học sinh có dự án khởi nghiệp, các em có thể gửi trực tiếp về Học viện Nông nghiệp Việt Nam hoặc thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để học viện có những hỗ trợ cho học sinh. Ngoài ra, học sinh có dự án khởi nghiệp cũng được doanh nghiệp liên kết với nhà trường hỗ trợ kinh phí cho dự án, giúp các em có thể mang dự án đi tham dự các kỳ thi. Sau này, nếu học sinh có dự án khởi nghiệp và trở thành sinh viên của học viện sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ học viện, giảng viên và doanh nghiệp trong, ngoài nước”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường chia sẻ.
Bật mí để sinh viên có thể nhận được học bổng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, em Nguyễn Thị Hà Trang – sinh viên năm cuối của học viện chia sẻ, phần lớn những sinh viên được nhận học bổng là các bạn có thành tích học tập tốt và tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, hoạt động đoàn, liên chi đoàn,…. Bên cạnh đó, để gia tăng cơ hội du học, sinh viên ngoài học tốt, tham gia hoạt động ngoại khoá hiệu quả, cần phải trau dồi kỹ năng ngoại ngữ.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” sẽ tổ chức cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường bày tỏ niềm vui khi hội thảo nhận được các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học với sự đầu tư công sức để nghiên cứu, trình bày các bài tham luận có giá trị tham khảo trong hoạt động thực tiễn triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 – 2025”; Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục.
Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đánh giá cao việc xác định vai trò của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường trung học phổ thông trên địa bàn Thủ đô và Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong định hướng, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp, đồng thời tiếp tục khơi dậy ý chí, đam mê, khát vọng khởi nghiệp của các em để khi trở thành sinh viên đại học, ý chí, đam mê, khát vọng khởi nghiệp sẽ lớn hơn, là nền tảng để học sinh tiến xa hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp sau này.
Năm 2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 4 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét tuyển học bạ đợt 1 từ ngày 01/3-10/5 và đợt 2 từ ngày 15/5-20/6/2024.